Xuất khẩu gỗ đón cơ hội tăng trưởng mới

Với nhiều thế mạnh, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nhiều năm của Việt Nam đã tăng gần như liên tục, đạt quy mô lớn. Tuy nhiên, để ngành hàng này phát triển bền vững, cần khắc phục những hạn chế, bất cập hiện có về nguồn nguyên liệu, quy mô, tổ chức sản xuất cũng như nguồn nhân lực để sẵn sàng đón những cơ hội tăng trưởng mới.

10 năm, xuất khẩu tăng 60 lần

Những thế mạnh của Việt Nam về sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có nhiều. Nhất là đội ngũ thợ đông đảo, nhiều người có tay nghề cao; sản phẩm có mẫu mã đẹp, đa dạng về chủng loại; quy mô khai thác gỗ tăng nhanh trong khi thị trường xuất khẩu rộng lớn và luôn được mở rộng.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ qua một số năm

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ qua một số năm (triệu USD). Nguồn: Tổng cục Thống kê

Xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ trong thời gian qua được nhận diện trên một số mặt đáng lưu ý. Những năm trước 90 của thế kỷ trước, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ rất nhỏ bé, thường ghép chung với các mặt hàng khác như đồ thủ công, mỹ nghệ. Tuy nhiên, những năm sau đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đã được tách riêng và tăng lên nhanh chóng.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ đã sớm tham gia “câu lạc bộ tỉ đô” từ năm 2004. Đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt lên đứng thứ 6 trong 23 thành viên của “câu lạc bộ tỉ đô” và nằm trong 7 mặt hàng thuộc nhóm có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6 tỉ USD.

Kim ngạch mặt hàng này trong 2 tháng đầu năm 2016 đạt 1.006 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm 2016 cao hơn tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong cùng thời gian (tương ứng là tăng 3,4% so với 2,9%).

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ trong thời gian qua ở mức khá cao. Năm 2015 cao gấp 60 lần năm 1995, bình quân mỗi năm tăng 22,7%, cao hơn các con số của tổng kim ngạch xuất khẩu trong cùng thời gian (tương ứng là 29,8 lần và tăng 18,5%/năm).

Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đã đạt được gần như liên tục trong 20 năm qua, trong đó tốc độ tăng bình quân năm của thời kỳ 2001-2005 còn cao hơn nhiều (lên tới 38,1%). Sự liên tục tăng lên chỉ bị ngắt quãng giảm 6,1% vào năm 2009, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nổ ra vào cuối năm 2008, bùng phát vào năm 2009 làm cho nhập khẩu mặt hàng này của những thị trường lớn của Việt Nam bị sụt giảm.

Có thể dự đoán khả năng cả năm 2016, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ đạt đỉnh mới theo hai phương án như sau.

Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng ước đạt 1.006 triệu USD; nếu kim ngạch 10 tháng còn lại đạt bằng với tháng 1 (606 triệu USD), thì cả năm 2016 sẽ đạt 7.066 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 6.899 triệu USD. Nếu tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của 10 tháng tới cũng bằng với tốc độ tăng trong 2 tháng qua (3,4%), thì cả năm 2016 sẽ đạt 7.134 triệu USD.

Từ hai phương án trên, có thể dự đoán kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2016 có thể vượt qua mốc 7 tỉ USD – cao nhất từ trước đến nay. Đó là kết quả đáng khích lệ trong điều kiện tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 2 tháng tăng thấp.

Làm gì để tăng trưởng bền vững?

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt được quy mô lớn và tăng trưởng cao gần như liên tục như trên do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân bắt nguồn từ nguồn nguyên liệu đầu vào. Nguồn thứ nhất là sản lượng gỗ khai thác ở trong nước tăng lên từ năm 2004 đến nay; năm 2015 đạt trên 8,3 triệu m3, cao gấp gần 3 lần năm 1995, bình quân 1 năm tăng hơn 5,6%.

Trong 2 tháng năm 2016, sản lượng gỗ khai thác đạt 749.000 m3, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. “Kết quả” hai tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để cả năm 2016 có thể vượt qua mốc 8,5 triệu m3 – đạt kỷ lục mới, cao hơn kỷ lục cũ đã đạt được vào năm 2015. Tuy nhiên, với tỷ lệ che phủ cũng như chất lượng rừng còn thấp, việc khai thác gỗ sẽ khó còn được như trước, cả về tốc độ tăng và quy mô khai thác. Hơn nữa, bên cạnh khai thác còn phải bảo vệ và cải thiện môi trường, giữ vốn rừng.

Nguồn thứ hai là gỗ và nguyên phụ liệu gỗ nhập khẩu, với kim ngạch (gồm cả gỗ và sản phẩm gỗ) có quy mô lớn và tăng lên từ gần 1,1 tỉ USD vào năm 2008 lên gần 2,24 tỉ USD vào năm 2014. Bình quân giai đoạn này đạt 1,496 tỉ USD/năm, bằng 33,1% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bình quân năm trong thời gian tương ứng. Trong hai tháng đầu năm đã nhập khẩu 294 triệu USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, bằng 29,2% kim ngạch xuất khẩu gỗ. Tuy nhiên, việc nhập khẩu cũng gặp khó khăn về nguồn, về giá. Hơn nữa, nhiều thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã yêu cầu khá chặt chẽ về xuất xứ nguồn nguyên liệu đối với mặt hàng này.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là thế mạnh về năng lực chế biến gỗ. Hiện cả nước có khoảng 8.000 doanh nghiệp với khoảng 500.000 lao động, cùng với hàng chục nghìn cơ sở cá thể, làng nghề sản xuất mặt hàng này. Nhiều người thợ có tay nghề được phong là “nghệ nhân”, “bàn tay vàng”. Nhờ vậy, đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá là có chất lượng tốt, tính thẩm mỹ cao, giá cả hợp lý, chủng loại đa dạng…. Tuy nhiên, quy mô doanh nghiệp gỗ của Việt Nam còn khá nhỏ cả về số lao động, số vốn, tài sản cố định và doanh thu thuần. Do vậy, việc đáp ứng yêu cầu của những khách hàng nhập khẩu với khối lượng lớn, thời gian giao hàng còn hạn chế.

Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở trên 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong các thị trường trên của năm 2015, đã có 28 thị trường đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 10 thị trường đạt trên 100 triệu USD. Trong đó, lớn nhất là Hoa Kỳ trên 2,6 tỉ USD, chiếm 38,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Trong hai tháng đầu năm, đã có 10 thị trường đạt trên 10 triệu USD.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm nay được đánh giá là có những thuận lợi mới. Cụ thể, châu Âu đang giảm sản xuất đồ gỗ trong khi Trung Quốc bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng này. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào cuối năm 2015 với gỗ là một trong 12 ngành được ưu tiên hàng đầu trong xuất khẩu. Hơn nữa, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và thực hiện, xuất khẩu gỗ sẽ có cơ hội lớn khi thuế suất giảm. Khả năng ứng dụng gỗ nhân tạo nếu được mở rộng (hiện mới đạt 5%) cũng sẽ mở ra triển vọng khả quan.

Tuy vậy, để xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phát triển bền vững, cần khắc phục những hạn chế, bất cập hiện có. Tốc độ tăng kim ngạch đang bị chậm lại (bình quân năm thời kỳ 1995-2005 tăng 29,9%, thời kỳ 2006-2010 còn 17,1%, thời kỳ 2011-2015 còn 15%, hai tháng 2016 còn 3,4%), ngoài yếu tố do quy mô là số gốc so sánh tăng lên làm cho tốc độ chậm lại, còn có các yếu tố khác.

Cần có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, tổ chức tốt việc sản xuất, hợp tác ở trong nước… để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đáng lưu ý, trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ, thì gỗ còn chiếm tỷ trọng cao, còn sản phẩm từ gỗ mới chiếm 70,3%. Chi phí sản xuất gỗ vẫn cao, nhất là chi phí vận chuyển. Mô hình sản xuất chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, phần lớn lao động từ nông thôn ra, nên gặp khó khăn trong học nghề, kỹ thuật, tác phong công nghiệp…

Theo Nguồn: Minh Ngọc – BaoChinhPhu.vn