Tuy Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ ở mức cao so với nhiều nước Liên minh Châu Âu (EU) và châu Âu khác, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam do hàng hóa từ Việt Nam được vào Bỉ để đưa sang các nước Tây Âu khác (cảng Antwerp của Bỉ là một trong những hải cảng trung chuyển hàng hóa lớn ở châu Âu).
Hiện Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU (sau Đức, Anh, Hà Lan, Pháp và Tây Ban Nha). Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ chủ yếu là giày dép, dệt may, thủy sản, cà phê, túi xách. Ngoài ra, gỗ, cao su, sản phẩm nhựa, đá và kim loại quý là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh và tiềm năng còn lớn.
Việt Nam nhập từ Bỉ chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép, hóa chất, tân dược. Bỉ là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong EU và thứ 3 châu Âu (sau Nga và Ucraina) về sắt thép; là thị trường lớn thứ 4 trong EU về máy móc thiết bị và phụ tùng.
Giai đoạn 2000-2010, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng nhanh, ổn định, từ 395,4 triệu USD năm 2000 lên đến 1,2 tỷ USD năm 2010. Kim ngạch hai chiều năm 2013 đạt 1,8 tỷ USD, và 7 tháng đầu năm nay đạt 1,3 tỷ USD.
Về đầu tư, tính đến hết tháng 8/2014, Bỉ có 51 dự án với tổng số vốn đầu tư đạt 155 triệu USD, đứng thứ 35/96 nước và vùng lãnh thổ có FDI vào Việt Nam. FDI của Bỉ chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.
Hiện Việt Nam cũng đã có 2 dự án đầu tư vào Bỉ, đó là Trung tâm xúc tiến thương mại tại Bruxelles (152.000 USD) và dự án Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Thủy sản châu Âu (90.000 USD).
Việt Nam – nước châu Á duy nhất được nhận hỗ trợ phát triển của Bỉ
Quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Bỉ bắt đầu từ năm 1977 nhưng bị gián đoạn từ năm 1979 đến 1989. Trong năm 1992, quan hệ hợp tác phát triển chính thức được nối lại. Hiện Việt Nam là nước châu Á duy nhất được nhận hỗ trợ phát triển của Chính phủ Bỉ.
Quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ được thực hiện qua rất nhiều nguồn. Ngoài quan hệ hợp tác chính thức với Chính phủ Liên bang, Việt Nam cũng đang nhận được viện trợ không hoàn lại của các Cộng đồng, các vùng của Bỉ và các tổ chức của Bỉ.
Từ năm 1977 đến nay, Bỉ đã cho Việt Nam vay và viện trợ không hoàn lại gần 300 triệu USD (trong đó viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 60%).
Hồi tháng 1 năm ngoái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng có chuyến thăm chính thức đến Vương quốc Bỉ. Tại đây, ông đã khẳng định, Việt Nam coi Bỉ là đối tác quan trọng, là cầu nối cho sự phát triển quan hệ Việt Nam-EU.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam đánh giá cao vị trí của Bỉ ở châu Âu và trên thế giới, coi Bỉ là đối tác quan trọng, là cầu nối cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam với EU và các nước châu Âu khác.
Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo đánh giá cao vị trí của Việt Nam cũng như những đóng góp tích cực của Việt Nam đối với sự hợp tác, phát triển trong khu vực; đánh giá cao chính sách đổi mới và những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong những năm qua; khẳng định Việt Nam là một nước ưu tiên trong quan hệ hợp tác của Bỉ.
Theo vnmedia.vn