Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang khuyến khích người dân hướng tới trồng rừng gỗ lớn để tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời thực hiện các cơ chế, tạo điều kiện cho người trồng rừng tham gia vào việc quản lý rừng trồng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, giảm thiểu thiệt hại trước những rủi ro…
Tỉnh Thừa Thiên – Huế phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 13.000 ha rừng trồng gỗ lớn
Theo Kế hoạch số 204/KH-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về việc phát triển rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 13.000ha rừng trồng gỗ lớn, trong đó tỷ lệ rừng được cấp chứng chỉ FSC là 40% so với diện tích rừng gỗ lớn, tương đương 5.000ha rừng trồng SX sử dụng giống lâm nghiệp thân thiện với môi trường.
Nhằm đạt được mục tiêu này, Thừa Thiên – Huế đã thành lập Hội Chủ rừng phát triển bền vững (FOSDA) với chức năng bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các chủ rừng hộ gia đình quy mô nhỏ trong hoạt động kinh doanh rừng bền vững; đồng thời có nhiệm vụ thúc đẩy các chủ rừng tích cực hưởng ứng tham gia vào hoạt động quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn được Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế công nhận (tiêu chuẩn FSC).
Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành một số chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia SX lâm nghiệp áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng như sử dụng cây keo lai mô trong trồng rừng thâm canh gỗ lớn, tỉa thưa rừng keo trồng bổ sung cây bản địa dưới tán rừng.
Thời gian tới, Thừa Thiên – Huế tập trung phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, đảm bảo tính lâu dài và bền vững trong phát triển trồng rừng kinh tế cung cấp gỗ lớn cho công nghiệp chế biến lâm sản ở những địa bàn có tiềm năng phát triển rừng. Thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người trồng rừng tham gia vào việc quản lý rừng trồng bền vững theo tiêu chuẩn FSC.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, việc trồng rừng gỗ lớn và quản lý rừng theo chứng chỉ FSC là điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các sản phẩm rừng trồng của nông hộ, doanh nghiệp tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng, phát triển kinh tế, góp phần an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Ông Hồ Đa Thê ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc) được dự án WB3 cấp chứng chỉ FSC cách đây hơn 4 năm, đến năm 2015 đã thu hoạch lần đầu tiên với 3ha gỗ lấy ván thu về gần 1 tỷ đồng; bán gỗ dăm gần 70 triệu đồng.
Một buổi đánh giá chứng chỉ rừng FSC
Theo ông Thê, gỗ rừng trồng 5 năm cho thu hoạch chỉ đạt bình quân 85 tấn/ha, có trị giá từ 80 – 100 triệu đồng/ha; còn rừng trồng 7 – 8 năm có chứng chỉ FSC đạt trên 200 tấn/ha. Chất lượng gỗ cao hơn, đồng nghĩa giá trị kinh tế cao hơn.
Mới đây UBND xã Lộc Bổn (Phú Lộc) đã tổ chức đại hội thành lập Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc. HTX có 30 thành viên đăng ký tham gia SX 410ha rừng trồng; trong đó có 146ha đạt chứng chỉ FSC. Tổng vốn điều lệ do các thành viên đóng góp là 690 triệu đồng.
Mục tiêu của HTX là đảm bảo cung cấp đầy đủ dịch vụ cho thành viên phát triển bền vững rừng trồng FSC. Ưu tiên sử dụng dịch vụ mà thành viên đáp ứng; đồng thời mở rộng dịch vụ, SX, kinh doanh đáp ứng nhu cầu của các thành viên, đáp ứng nhu cầu thị trường, có chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh nhằm thúc đẩy kinh tế hộ, kinh tế HTX cùng phát triển một cách bền vững.
Theo ông Võ Văn Dự – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên – Huế, đây là mô hình HTX lâm nghiệp đầu tiên của tỉnh nên phương thức hoạt động vừa thực hiện theo Luật HTX và phù hợp với tình hình thực tế. Về mặt chuyên môn kỹ thuật, Sở sẽ quan tâm tạo điều kiện và hỗ trợ HTX nhằm đạt hiệu quả như mong muốn.
MINH TUẤN – Nongnghiep.vn