Cây lâm nghiệp giữ vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đất nước. Ngoài việc cung cấp gỗ và các sản phẩm phụ, nó còn giữ cho môi trường ổn định, khí hậu ôn hòa, tránh lũ lụt, thiên tai; nó là lá phổi xanh cho chúng ta…Mỗi loài cây lâm nghiệp có những đóng góp riêng. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta lại không biết hết tiềm năng của những loài cây lâm nghiệp đó. Vì vậy, việc khai thác hết thế mạnh của các loại cây lâm nghiệp vẫn là bài toán chưa giải xong.
Cây lâm nghiệp giữ vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đất nước. Ngoài việc cung cấp gỗ và các sản phẩm phụ, nó còn giữ cho môi trường ổn định, khí hậu ôn hòa, tránh lũ lụt, thiên tai; nó là lá phổi xanh cho chúng ta…
Mỗi loài cây lâm nghiệp có những đóng góp riêng. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta lại không biết hết tiềm năng của những loài cây lâm nghiệp đó. Vì vậy, việc khai thác hết thế mạnh của các loại cây lâm nghiệp vẫn là bài toán chưa giải xong.
Mắc mật, sấu – “kho bạc” chờ khám phá
Khi thực hiện dự án xóa đói giảm nghèo tại vùng hồ Ba Bể, chúng tôi đã đề nghị bà con ở đây đẩy mạnh việc trồng cây mắc mật. Mắc mật là một loại cây thân gỗ mọc tốt ở những vùng núi đá vôi.
Quả mac ca.
Ở Lạng Sơn, mắc mật mọc ở khắp nơi. Nó họ hàng với cây quất hồng bì. Hạt của nó có mùi thơm đặc biệt. Người ta dùng bột mắc mật để xoa lên con lợn đã mổ trước khi đưa đi quay. Chúng ta sẽ có được một chú lợn quay thơm phức mùi mắc mật. Gà quay, vịt quay cũng được làm như vậy. Người ta còn dùng nó để hấp cá. Ta không mổ cá mà chỉ khoét một lỗ dưới bụng rồi rút hết ruột ra. Bơm nước vào để rửa sạch. Sau đó, ta lấy lá mắc mật đã thái nhỏ và nhồi kín vào khoang bụng. Ta đưa cá đi hấp. Chúng ta sẽ có được món cá hấp hết sức hấp dẫn. Nó thơm ngát mùi mắc mật. Thực khách rất thích mùi này.
Người Trung Quốc luôn tìm mua hạt mắc mật của chúng ta. Nếu quảng bá được công dụng của nó ra cho cả thế giới thì mắc mật chắc sẽ đắt hàng hơn nhiều. Cây mắc mật có thể thọ tới cả trăm tuổi trên những vùng núi đá vôi.
Trong danh sách những cây lâm nghiệp trồng phân tán ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có cây sấu. Đó là một cây tuyệt vời. Nếu bạn lên Hà Nội và đi quanh hồ Hoàn Kiếm, bạn sẽ thấy những cây sấu khổng lồ trồng từ thời Pháp thuộc. Người ta còn trồng sâu trên nhiều phố như Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Phan Đình Phùng… Những cây sấu đó cũng có tuổi cả trăm năm. Sấu là cây rất phù hợp với đường phố vì nó có lá xanh quanh năm, màu lá xanh thẫm và tán rộng. Sấu lại có rễ cọc và có bạnh vè. Vì vậy, nó không bị gẫy đổ như nhiều loại cây khác.
Lá mắc mật.
Sấu sống rất lâu. Trong các vườn quốc gia, người ta còn giữ được những cây sấu 1.000 năm tuổi (như ở Cúc Phương, Ba Bể…). Rất nhiều đô thị và các phố mới ở Hà Nội (như Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương…) người ta đã chọn cây sấu để trồng. Sấu còn cho ta một sản phẩm hấp dẫn, đó là quả sấu. Quả sấu có một vị chua đặc biệt. Dân ta vẫn dùng nó để làm nước giải khát, để nấu canh và để làm ô mai. Tuy nó chỉ là sản phẩm dân dã nhưng lại rất tinh túy. Khách quốc tế ăn bát canh chân giò hầm với sấu đều rất mê. Họ thích vị chua ấy. Thế nhưng, ta chưa có ai nghĩ tới việc sản xuất ra các loại gia vị từ sấu để bán ra cho thế giới. Nó chắc chắn sẽ là một mặt hàng hấp dẫn. Thế còn ai nghĩ tới việc làm ra kẹo sấu, mứt sấu, bánh nhân sấu… thì cũng sẽ đầy triển vọng tốt đẹp.
Mắc ca: Thị trường rộng mênh mông
Gần đây, nhiều người mách bảo nên tôi mới biết, quả trám cũng đang lên giá. Tôi ra chợ mới thấy, trám bán rất chạy với giá ngất ngưởng: Trám trắng từ 40.000-50.000 đồng/kg, còn trám đen từ 60.000-70.000 đồng/kg (ở sân bay, trám đen bán tới 120.000 đồng/kg). Trám cũng là một loại cây lâm nghiệp đa tác dụng. Người ta trồng trám để lấy gỗ và lấy nhựa. Nhưng hiện nay, quả trám cũng rất được ưa chuộng. Mỗi cây trám trưởng thành cũng có thể cho ta vài tạ quả. Nếu với giá trám như hiện nay mà nhà nào có được vài chục cây trám thì… tiền để đâu cho hết! Ta không lo ế trám. Đã từ lâu, người Trung Quốc sang ta để lùng mua hết trám. Họ đưa trám về để chế biến làm mứt. Người ta cho rằng, quả trám có hàm lượng can xi dinh dưỡng cao nhất so với các loại hoa quả hiện nay. Vì vậy, mứt trám bán rất chạy. Họ làm ra nhiều loại mứt khác nhau và bán ra cho cả thế giới. Rất tiếc, dân mình trồng được trám nhưng lại không quan tâm tới việc chế biến quả trám. Sao không ai để tâm làm việc này!? Ta đưa trám kho với cá và thịt ba chỉ sẽ có được một món ăn tuyệt vời. Tôi cứ nghĩ, thứ đó mà đem đóng hộp có khi lại bán chạy hơn cả cá hộp, thịt hộp. Vị ngọt của thịt, cá đã ngấm vào miếng trám làm ta ăn thấy ngon miệng, không ngấy mà lại có hương vị gây ấn tượng hấp dẫn. Biết đâu, thế giới lại mê món ăn mới này.
Gần đây, chúng tôi kêu gọi nhiều vùng phát triển mạnh cây mắc ca. Đây là một cây nhập nội và mới được Bộ NNPTNT cho phép phát triển mạnh. Nó là một loại cây rừng mà mới được thuần hóa cách đây có 150 năm. Thế nhưng ở Úc, Mỹ, Nam Phi và nhiều nước khác nó đã được trồng thành rừng. Tôi sang Trung Quốc và cũng đã tận mắt chứng kiến những cánh rừng mắc ca rộng hàng nghìn hécta ở Quảng Tây và Vân Nam. Mắc ca có thể sống tới cả 100 năm. Nó cho ta một loại hạt tuyệt vời. Tới tuổi trưởng thành, mỗi cây cũng có thể cho ta hàng chục kg, thậm chí hàng tạ quả. Thứ hạt của loại quả này ăn rất ngon. Nó vừa bùi, vừa béo lại có hương vị bơ. Nó rất giàu dinh dưỡng. Hàm lượng dầu trong hạt tới 78%. Hiện nó được công nhận là loại quả khô ngon nhất thế giới. Rất nhiều cơ sở ở ta đã tiến hành trồng thử nghiệm và đều cho ra các kết quả mĩ mãn. Vừa qua, 500 doanh nghiệp lớn ở TP.HCM đã họp bàn để đẩy mạnh việc trồng cây mắc ca ở Tây Nguyên. Chắc chắn, loại cây trồng mới này sẽ sớm có được vị trí xứng đáng trong nền nông nghiệp nước nhà. GS Hoàng Hòe – chuyên gia đầu ngành lâm nghiệp và là chủ dự án hớp tác với Úc để phát triển cây mắc ca ở Việt Nam dự tính: Giá 1kg mắc ca là 4USD. Bước đầu, mỗi hécta trồng mắc ca thu 4 tấn hạt thì ta cũng đã có 16.000USD, tương đương 320 triệu đồng. Vậy tới lúc thu gấp đôi, gấp ba thì bà con mình sẽ có những nguồn thu rất cao. Vậy, sao không bắt tay ngay vào trồng mắc ca…
Hoa, quả, hạt giá trị gấp trăm lần “lấy gỗ”
Ở Thái Bình, đi đâu cũng gặp cây hoa hòe. Hầu như nhà nào cũng trồng chúng. Hoa hòe là một vị thuốc quý. Cây lại cho bóng mát và cho hoa để ong hút mật. Hoa hòe cho người dân một nguồn thu không nhỏ nên nhà nào cũng muốn trồng thêm…
Ở Lạng Sơn, Cao Bằng và nhiều vùng khác thuộc khu vực miền núi phía Bắc còn có thể phát triển mạnh cây dẻ hạt lớn. Với giống dẻ ghép, ta chỉ trồng 2 năm là đã cho quả. Năng suất của chúng rất cao mà giá hạt dẻ lại chưa bao giờ thấp. Ai có một rừng dẻ hạt lớn thì chắc chắn sẽ giàu.
Lạng Sơn còn có cây hồi. Hồi của ta là đại hồi. Nó quý hơn tiểu hồi của Trung Quốc. Hồi là cây gỗ lớn, sống lâu năm. Rừng hồi là một mẫu rừng đa tác dụng.
Suốt dọc miền Trung, chúng ta có thể phát triển mạnh cây neem (còn gọi là cây xoan chịu hạn). Neem là cây lâm nghiệp có khả năng chịu hạn rất cao. Nó có thể mọc ngay cả trên những vùng cát nóng khô cằn, nghèo dinh dưỡng. Ngoài nhiệm vụ che phủ cho đất, chống sa mạc hóa, neem còn cho ta gỗ và dầu neem. Từ hạt và lá neem, người ta lấy được một chất gọi là Ajaderastin. Chất này có khả năng tiêu diệt hoặc xua đuổi nhiều loại côn trùng có hại với cây trồng. Ở Ấn Độ, người ta đã xây nhiều nhà máy để chế biến dầu neem thành thuốc bảo vệ thực vật. Ta rất nên học tập họ.
Lan man với một số loại cây lâm nghiệp để thấy, nó đâu chỉ trồng để lấy gỗ. Ta rất lên quan tâm tới các loài cây lâm nghiệp đa tác dụng. Chúng sẽ cho ta thêm hoa, quả, nhựa, dầu, chất thơm, vỏ, rễ… Mỗi vùng sinh thái đều có những loài cây lâm nghiệp đa tác dụng phát triển tốt, phải phát huy hết tiềm năng của chúng.
Theo Báo Dân Việt