Thêm động lực thúc đẩy phát triển thủ công mỹ nghệ

Hà Nội được đánh giá là đất trăm nghề, là nơi có đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi đông đảo và tài hoa. Tuy vậy, trong sản xuất và kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) vẫn còn những điểm yếu.

Đặc biệt, mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, tính cạnh tranh của hàng TCMN Hà Nội với các sản phẩm cùng loại khi xuất khẩu còn hạn chế. Nhằm hỗ trợ các hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề cải tiến mẫu mã, Sở Công thương Hà Nội tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm TCMN lần thứ 3 với chủ đề: “Sáng tạo, bền vững và phát triển” với nhiều điểm mới. Đây là nội dung chính được giới thiệu trong buổi họp báo về cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm TCMN Hà Nội năm 2014 do Sở Công thương Hà Nội sáng 5-6.
 
 
Nói về những “thiệt thòi” do mẫu mã hàng TCMN thiếu hấp dẫn, ông Đỗ Văn Thức, Chủ tịch Hiệp hội dệt lụa tơ tằm Hà Nội dẫn chứng: Nếu mỗi mét lụa dệt bình thường, người sản xuất chỉ lãi được khoảng 30 nghìn đồng thì với những mẫu mới, hoa văn độc đáo, tinh xảo, mỗi mét lụa có thể lãi 100 nghìn đồng. Điều đó cho thấy, cải tiến mẫu mã sản phẩm sẽ góp phần to lớn vào nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người làm nghề. Không những vậy, nó còn thể hiện “đẳng cấp” của người sản xuất và mang lại niềm vui cho người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những tiêu chí để phong tặng danh hiệu nghệ nhân của Hà Nội. 
 
 
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Trưởng BTC cuộc thi Đào Thu Vịnh, nắm bắt nguyện vọng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhận thấy thiết kế là một khâu đang yếu và cần quan tâm nhất, Sở Công thương đã đề xuất với UBND thành phố cho tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm TCMN nằm trong chương trình khuyến công nhằm tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ở làng nghề cũng như các chuyên gia đầu ngành về TCMN giao lưu, trao đổi sản phẩm và khuyến khích các tổ chức cá nhân phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế sản phẩm TCMN. Sau hai năm tổ chức (2012, 2013), cuộc thi đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các nghệ nhân, thợ giỏi, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề với gần 200 đơn vị, cá nhân tham gia gần 500 mẫu sản phẩm; trong đó có gần 100 sản phẩm đạt giải được UBND thành phố công nhận. 
 
 
Anh Phạm Xuân Cường, chủ cơ sở sản xuất hàng TCMN Xuân Cường ở quận Hà Đông cho biết, năm 2013, tham gia hội thi, anh đã giành được giải nhì sản phẩm đèn bàn trang trí phòng khách bằng chất liệu kết hợp: sừng, đồng và lụa. Theo anh Cường, tuy giá trị giải thưởng không lớn nhưng cũng đã tạo nên sự khích lệ người sản xuất rất nhiều, tạo cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi với đối tác trong và ngoài nước. Anh Cường cho biết thêm, ngay sau khi được giải, những “phiên bản” đèn trang trí đã được gia đình đưa vào sản xuất đại trà. Năm 2013, gia đình đã bán được 200 chiếc đèn, với giá từ 200 nghìn đồng đến 30 triệu đồng/chiếc, tùy chất liệu. Hiện nay, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Hà Nội, anh Cường đang chuẩn bị những sản phẩm TCMN đặc sắc nhất để tham gia Hội chợ hàng TCMN tại Mỹ trong tháng 7-2014. Còn theo ông Đỗ Văn Thức, trước đây, những người sản xuất lụa thường giấu nghề, sáng tạo được mẫu mới thường không để lộ kỹ thuật nhưng bây giờ “rào cản” tâm lý này đã được dỡ bỏ. Những mẫu sản phẩm mới được giới thiệu cho nhiều người biết để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.
 
Có thể nói cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm TCMN là một hoạt động trúng và kịp thời nhằm trợ giúp các làng nghề sản xuất hàng TCMN trong thời điểm khó khăn hiện nay. Theo ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Hà Nội, Phó BTC cuộc thi, cuộc thi bước sang năm thứ 3 lại đúng dịp Hà Nội kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô nên lễ trao giải và tổng kết cuộc thi diễn ra trong tháng 10 đã được chọn là một trong những chuỗi các sự kiện chào mừng của thành phố. Tất cả các sản phẩm dự thi sẽ được trưng bày và quảng bá miễn phí tại triển lãm Thành tựu KT-VH-XH Thủ đô 60 năm xây dựng và phát triển tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Xô. Năm nay, cuộc thi sẽ có quy mô lớn hơn và yêu cầu cao hơn. Nếu như các năm trước chỉ có khoảng 200 đơn vị, cá nhân tham gia dự thi thì năm nay BTC đặt mục tiêu sẽ thu hút từ 300-350 sản phẩm TCMN có thiết kế mới. Đặc biệt, trong các tiêu chí đánh giá sản phẩm dự thi, ngoài các tiêu chí về tính sáng tạo, tính thẩm mỹ, tính thương mại còn có thêm tiêu chí thân thiện với môi trường.
 
Theo chợ gỗ Việt Nam