Ngành gỗ liên kết cùng nhau nâng chất lượng, tăng sức cạnh tranh

Ngành gỗ liên kết cùng nhau nâng chất lượng, tăng sức cạnh tranh

 
Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA BINH DINH), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) đã cùng ký cam kết và cùng ra tuyên bố chung về việc sử dụng, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp. Đây là động thái quyết tâm nâng thương hiệu sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên thương trường quốc tế.
 
Chủ đề liên quan :
 
  • Doanh nghiệp Việt vẫn đuối trong ASEAN
  • Khẳng định chất lượng Điều Bình Phước qua hội nghị quốc tế
  • Mở ra cơ hội xuất khẩu tôm tươi nguyên con và thanh long vào Australia
  • Bộ trưởng Bộ Tài Chính: Quảng Bình tận dụng tốt lợi thế để phát triển kinh tế bền vững
  • Công bố loạt doanh nghiệp bết bát, nợ cao gấp nhiều lần vốn sở hữu
  • Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt 3,66 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016. Các sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu đi các thị trường sau: Hoa Kỳ với 1,51 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc với 556 triệu USD, tăng 29%; Nhật Bản với 503 triệu USD, tăng 5,3%…
 
Theo các doanh nghiệp chế biến gỗ, với cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp do VIFORES khởi xướng, ngành chế biến gỗ sẽ dần tạo được uy tín trên thị trường quốc tế, đặc biệt ở các thị trường lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.
 
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa), EU là thị trường có truyền thống sản xuất đồ gỗ nên khi Việt Nam đưa vào EU sẽ phải cạnh tranh với chính các nhà sản xuất của EU. Bên cạnh đó, hiện nay hình ảnh của ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã được chú ý nhiều hơn, trong thời gian qua đã có rất nhiều khách hàng nước ngoài đến tham gia các hội chợ về gỗ, mỹ nghệ tại Việt Nam để tìm kiếm sản phẩm. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận khách hàng quốc tế.
 
Trong tuyên bố chung của các hiệp hội chế biến gỗ cũng nhấn mạnh việc ủng hộ Chính phủ và các cơ quan quản lý xây dựng, hoàn thiện và thực thi các chính sách, cơ chế phù hợp để triển khai hiệu quả Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) thuộc chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) giữa Việt Nam và EU nhằm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới.
 
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho rằng triển vọng phát triển ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ tại thị trường châu Âu trong năm 2017 được dự báo tăng trưởng khả quan hơn nhờ các hoạt động xây dựng thị trường tại EU được đẩy mạnh. Bên cạnh đó còn do tác động của Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2018 và Hiệp định VPA/FLEGT đã được Việt Nam và Liên minh châu Âu ký tắt vào tháng 5/2017.
 
Ngoài ra, các hiệp hội ủng hộ quản lý và kiểm soát chặt chẽ gỗ rừng tự nhiên, khuyến khích phát triển rừng trồng được quản lý bền vững. Bên cạnh đó, tuân thủ các quy định của các cơ quan quản lý về phát triển gỗ và sản phẩm gỗ được cấp phép CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) và FLEGT trong tương lai. Các hiệp hội đã ký cam kết còn phải thúc đẩy việc sử dụng, chế biến, sản xuất – kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ từ rừng trồng trong nước và từ nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu hợp pháp và bền vững.
 
Bà Bùi Thị Việt Anh, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cho biết, ngoài thuận lợi về thuế quan giảm, EU sẽ yêu cầu DN xuất khẩu phải đáp ứng mã hàng hóa, chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm gỗ hợp pháp. Như vậy, DN Việt sẽ phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước EU với chi phí cao hơn thay vì nhập khẩu nguyên liệu từ Lào, Campuchia hay Trung Quốc như hiện nay.
 
Trước tình trạng khó khăn về nguyên liệu, tháng 4 vừa qua Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép rà soát hạn chế xuất khẩu gỗ xẻ và gỗ nguyên liệu để đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước, trong đó có cả gỗ cao su. Ngoài ra, phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu sản xuất. Khi sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đáp ứng đầy đủ những tiêu chí này, “cánh cửa” vào thị trường EU sẽ mở rộng hơn cho DN Việt.
 
Ngọc Danh – ThuongGiaThiTruong.vn