Đáng Mừng Đáng Lo Của Xuất Khẩu Gỗ

Xuất khẩu gỗ hứa hẹn nhiều bước tiến đáng kể nhưng cần giải pháp thoát khỏi tình trạng xuất khẩu nhiều nhưng giá trị mang lại không tương xứng – 0917886177

Xuất khẩu gỗ hứa hẹn nhiều bước tiến đáng kể nhưng cần giải pháp thoát khỏi tình trạng xuất khẩu nhiều nhưng giá trị mang lại không tương xứng.
 
Thị trường rộng mở
 
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 3/2014, XK gỗ và sản phẩm từ gỗ đã đạt 490 triệu USD, góp phần nâng kim ngạch cả quí 1 đạt hơn 1,4 tỉ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2013. Với mức tăng trưởng cao, Mỹ, Trung Quốc tiếp tục là những nhà nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến gần 53% thị phần. “Trong năm nay, ngành gỗ hướng đến mục tiêu XK từ 6 – 6,2 tỉ USD, tăng khoảng 0,7 tỉ USD so với kết quả xuất khẩu của năm ngoái. Do tín hiệu thị trường sáng sủa nên chúng tôi đang rất lạc quan sẽ vượt chỉ tiêu đã đăng ký trên”, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết.
 
 
 
Theo các chuyên gia trong ngành, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành gỗ sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa. Bởi nhiều quốc gia tham gia đàm phán TPP vốn là những nhà nhập khẩu gỗ trọng điểm như: Mỹ, Nhật Bản, Australia… sẽ cắt giảm thuế và doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi lớn. Ngoài ra, đồ gỗ Việt Nam còn có lợi thế so với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc, vì Trung Quốc chưa được tham gia TPP. Dự báo đến năm 2020, xuất khẩu đồ gỗ sẽ đạt con số mơ ước 10 – 12 tỷ USD và nếu ngành chức năng có chiến lược đúng đắn thì “giấc mơ” chiếm lĩnh 10% thị phần đồ gỗ thế giới sẽ không quá xa vời.
 
 
Nâng cao giá trị gia tăng
 
Tuy xuất khẩu gỗ tăng trưởng cao nhưng cần lưu ý là lợi nhuận mang về cho các doanh nghiệp trong nước chưa cao như mong đợi. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường thuê doanh nghiệp trong nước làm gia công hàng xuất khẩu… không chủ động được về giá nên các doanh nghiệp nội thường chỉ được hưởng rất ít giá trị gia tăng trong sản phẩm gia công. Ngoài ra, theo ông Quyền, nếu tiếp tục làm hàng gia công, khi giá lao động tăng, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dễ dàng chuyển hướng sang những quốc gia khác có giá lao động rẻ hơn.
 
 
Trong tổng giá trị gỗ xuất khẩu trong năm qua, tỷ lệ những sản phẩm do chính doanh nghiệp Việt thiết kế chiếm rất khiêm tốn, chưa đến 10 triệu USD. Vì vậy, để phát triển bền vững, ngành gỗ Việt Nam cần chuyển hướng sản xuất những sản phẩm có hàm lượng thiết kế cao, để tăng từ 50 – 60% lợi nhuận của sản phẩm. “Chỉ khi có lợi thế về thiết kế thì mới không còn bị động về giá cả, có thể bán sản phẩm với giá chúng ta mong muốn”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP Hồ Chí Minh nhận định.
 
Tại Hội chợ quốc tế đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm gỗ vẫn chủ yếu nhờ lao động giá rẻ, sản phẩm xuất khẩu ở dạng thô như dăm giấy, gỗ bóc… có giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu muốn vào các thị trường đều phải sử dụng nguồn nguyên liệu có chứng chỉ FSC (bộ tiêu chuẩn của hội đồng Quản trị rừng thế giới) hoặc có chứng thực nguồn gốc. Hiện Việt Nam vẫn chưa có thị trường gỗ nguyên liệu FSC nên hàng năm các doanh nghiệp XK phải nhập đến 80% nguyên liệu gỗ với giá trị kim ngạch khoảng trên 1 tỉ USD. Ở một khía cạnh khác, sau hơn 2 năm quay trở về thị trường nội địa, tỷ lệ sản phẩm nội thất của các doanh nghiệp Việt đã tăng lên 40%, nhưng doanh số khai thác vẫn loay hoay chủ yếu từ các công trình, dự án; còn bán lẻ vẫn chưa là thế mạnh.
 
(Nguồn tin tức)
 
Hotline Facebook Zalo youtube