Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương Huỳnh Quang Thanh cho biết đà hồi phục của thị trường thế giới đã mở ra nhiều triển vọng cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu.
Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương Huỳnh Quang Thanh cho biết đà hồi phục của thị trường thế giới đã mở ra nhiều triển vọng cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu.
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã chế biến, xuất khẩu sản phẩm đạt trên 1,54 tỷ USD, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tỉnh đang phấn đấu hoàn thành kế hoạch xuất khẩu cả năm trên 1,7 tỷ USD và nâng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ đạt trên 2 tỷ USD vào năm 2015.
Bình Dương là một trong những địa phương được xem là “thủ phủ” chế biến đồ gỗ xuất khẩu lớn nhất cả nước.
Hiệp hội Chế biến đồ gỗ tỉnh Bình Dương cho biết hiện Hiệp hội có hơn 500 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết hàng chục nghìn lao động.
Theo bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng giám đốc Công ty gỗ Sao Nam kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, với đà tăng trưởng trong xuất khẩu 10% so với cùng kỳ và phấn đấu hai tháng cuối năm tăng trưởng từ 10-15%, mục tiêu hoàn thành kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt được.
Hiện nay, một số doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch sản xuất cả năm và đang thảo luận ký tiếp đơn hàng mới cho năm 2015. Đây là một tín hiệu đáng mừng về triển vọng kinh tế ngành gỗ.
Sự chuyển dịch các đơn hàng lớn đang đến Việt Nam và đây là một trong kế hoạch mà Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương đang thực hiện.
Những năm gần đây, nhờ chủ động đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề ổn định, nhờ đó các doanh nghiệp đã tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
“Chúng tôi đang thúc đẩy ký kết các đơn hàng lớn, chia sẻ với các doanh nghiệp để thành chuỗi liên kết sản xuất và xuất khẩu. Cách thức này đang là chiến lược đưa ngành gỗ Bình Dương phát triển ổn định vào thời gian tới,” bà Đỗ Thị Kim Loan khẳng định.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Huỳnh Quang Thanh các doanh nghiệp đã hội nhập sâu vào thị trường và sản phẩm gỗ là một trong sản phẩm “mặt tiền” của thị trường, do đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải giữ uy tín cũng như về chất lượng và giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải có đội ngũ nhân công ổn định, tay nghề cao mới có cơ hội bước vào “sân chơi” lớn của ngành chế biến gỗ toàn cầu.
Trong khi đó, theo Sở Công Thương Bình Dương, một trong tín hiệu mới của ngành chế biến gỗ của tỉnh là ngoài xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, nhiều doanh nghiệp đã phát triển được thị trường mới ở Trung Đông và châu Phi.
Mặc dù đã hồi phục sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng theo đánh giá chung nhiều doanh nghiệp đang còn lệ thuộc quá lớn nguồn nguyên liệu nhập khẩu với trên 60%.
Và một trong rào cản đó là giá trần lãi suất tín dụng trong nước cao hơn so với khu vực đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp gỗ ở Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung./.
Theo Việt Nam plus