Bộ Công Thương dự kiến xuất khẩu cả năm đạt khoảng 148 tỷ USD

Bộ Công Thương dự kiến xuất khẩu cả năm đạt khoảng 148 tỷ USD

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam 9 tháng năm 2014 có tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu. Với mục tiêu kế hoạch tăng kim ngạch xuất khẩu 10% thì cả năm phải đạt 145,4 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm đã đạt 109,6 tỷ USD và trên thực tế, tình hình xuất khẩu vẫn có xu hướng tăng.
 
Trong 9 tháng năm 2014, xuất khẩu ước đạt khoảng 75,4% kế hoạch năm 2014 (kế hoạch là 145,4 tỷ USD). Khối các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong việc tạo giá trị xuất khẩu, tỷ trọng ngày càng tăng, xuất khẩu của khối FDI (không kể dầu thô) 9 tháng năm 2013 chiếm tỷ trọng 60,5%, 9 tháng năm 2014 chiếm tỷ trọng 61,3%.
 
9 tháng năm 2014, các mặt hàng có sự tham gia của khối FDI như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện có mức tăng trưởng xuất khẩu không mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này thể hiện sau một thời gian tăng trưởng cao, các mặt hàng này đã có sự tăng trưởng ổn định. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Dệt may, giầy dép, đồ gỗ vẫn giữ mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu chung 9 tháng.
 
Ngành dệt may vẫn giữ mức tăng trưởng xuất khẩu cao. (Ảnh: KT)
 
Trong nhóm công nghiệp chế biến, các mặt hàng hóa chất; túi sách, vali, mũ, ô dù và đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận lại có bước tăng trưởng cao hơn 30%. Lượng cầu đối với các mặt hàng này đang tăng dần tại các thị trường mới, do vậy cần có các biện pháp hỗ trợ, xúc tiến, phát triển thị trường để các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu tại các thị trường này.
Nhóm hàng nông lâm thủy sản có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung, đặc biệt là thủy sản, rau quả, hạt tiêu, nhân điều và cà phê tăng trưởng mạnh, đóng vai trò quan trọng vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng 2014. Tăng trưởng xuất khẩu của 4 mặt hàng này tăng xấp xỉ 25%, riêng rau quả tăng 42,7% so với cùng kỳ.
 
Nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát có mức tăng nhẹ (13,7%) do nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng như rau quả, chế phẩm thực phẩm khác, đá quý, kim loại là để phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
 
Nhóm hàng hạn chế nhập khẩu tiếp tục được kiểm soát tốt, giảm 2,6% so với cùng kỳ. Nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu (gồm nguyên nhiên vật liệu và máy móc thiết bị) tăng 10,5% so với cùng kỳ. Nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, điều này cho thấy dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thông qua việc các doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và đầu tư.
 
Bộ Công Thương nhận định, những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, nếu không có yếu tố đột biến khả năng xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 148 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2013 (cao hơn mục tiêu tăng 10% do Quốc hội đề ra). Trong đó nhập khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 146,5 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2013. Xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD./.
 
Theo VOV.VN