Xuất khẩu đầu năm tăng khá

Tín hiệu vui liên tục đến với cộng đồng doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Con số xuất khẩu trong tháng 1-2016 đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước cho thấy, nhiều ngành hàng của Bình Dương còn có nhiều cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu hơn nữa.

Các mặt hàng chủ lực: Mở rộng thị trường xuất khẩu

Đại diện doanh nghiệp gỗ M-trade (TX.Thuận An) cho biết, hiện công ty có đơn hàng đến quý II-2016. Xu hướng khách hàng nước ngoài chọn sản phẩm gỗ tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng đang có dấu hiệu khởi sắc. Theo đánh giá của Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC), nhiều doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương đã đáp ứng những yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng Mỹ nên xu hướng nhập khẩu sản phẩm gỗ từ địa phương này sẽ còn tăng trong thời gian sắp tới.

Nhiều ngành chủ lực của Bình Dương như giày da, may mặc, gỗ… được kỳ vọng xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian tới. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất da giày tại Công ty Cổ phần Đầu tư Giày Thái Bình. Ảnh: PHƯƠNG AN

Điều làm Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) hài lòng chính là uy tín và tên tuổi của BIFA đã lan tỏa sang các nước châu Phi, Trung Đông. Tương tự, gốm thủ công mỹ nghệ của tỉnh nhà cũng có những tín hiệu lạc quan. Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty TNHH Phước Dũ Long (TX.Thuận An) cho hay, nhiều nước trên thế giới vốn quen với dòng sản phẩm gốm từ Trung Quốc nay bắt đầu có xu hướng tìm về thị trường Việt Nam để đặt hàng. Hiện công ty cũng đã mở rộng thị trường sang Nam Phi, một số nước Trung Đông như Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập… ở dòng sản phẩm sân vườn và trang trí khách sạn, resort.

Sản phẩm giày da, may mặc của Bình Dương cũng đã đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu trong tháng đầu năm 2016 của tỉnh nhà. Cụ thể, xuất khẩu hàng dệt may đạt 217,2 triệu USD, tăng 9,1%; giày da đạt 190,9 triệu USD, tăng 11,6% so với tháng 12-2015…

Bên cạnh đó, một số khách hàng từ Đài Loan, Nhật Bản, Liên minh châu Âu cũng đã đặt quan hệ hợp tác lâu dài với các làng nghề truyền thống của Bình Dương, giúp tỉnh nhà có thêm phương án giải quyết đầu ra sản phẩm và bảo tồn những làng nghề không bị mai một.

Thách thức xen lẫn cơ hội

Với vị trí địa lý thuận lợi, nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Aeon, Metro… đã chọn Bình Dương là điểm đến trong hoạt động bán lẻ. Động thái này trước mắt có thể giúp một số doanh nghiệp tại Việt Nam tiêu thụ sản phẩm, nhưng về lâu dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho doanh nghiệp nội địa. Bởi sau khi đã có nguồn khách hàng ổn định, xu thế nhập khẩu hàng hóa về thị trường Việt Nam để tiêu thụ sẽ làm các doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh.

Ghi nhận ở các siêu thị do Nhật, Thái Lan đầu tư tại Việt Nam cho thấy, khách hàng dễ dàng phát hiện nhiều mặt hàng đến từ các nước này được bày bán. Xu hướng của người tiêu dùng thường chọn lựa những sản phẩm chất lượng, bao bì, mẫu mã đẹp… khiến cho một số mặt hàng truyền thống trong nước như thực phẩm, bánh kẹo ít được đầu tư về công nghệ mẫu mã, bao bì… có nguy cơ bị mất thị trường.

Mới đây nhất, một tập đoàn sản xuất giày thể thao của Thái Lan đã đặt điều kiện tài trợ cho giải đấu V-League 2016. Mục đích của tập đoàn này là nhắm tới thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam. Rõ ràng, sự hội nhập đang lan tỏa ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam còn mơ hồ với xu thế chung sẽ bị đào thải là điều tất yếu.

Tuy nhiên, sự hội nhập cũng mang lại cho nước ta nói chung và Bình Dương nói riêng nhiều cơ hội. Theo các chuyên gia, trước mắt tại Bình Dương, ngành dệt may sẽ có nhiều cơ hội nhất và Mỹ rất có thể trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Thực tế cho thấy, việc cho ra đời Văn phòng thương mại công nghiệp Mỹ đặt trụ sở tại Bình Dương là minh chứng rõ ràng nhất trong việc chuyển dòng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư Mỹ. Và Bình Dương rất có thể là nơi mà dòng vốn đầu tư mà người Mỹ muốn đổ về.

Theo Nguồn: XUÂN VĨ – http://baobinhduong.vn/