Cơ hội và thách thức của ngành gỗ Việt Nam

Việc Việt Nam đàm phán Hiệp định Đối tác song phương FLEGT với EU là cần thiết. Việc tuân thủ FLEGT cũng giúp duy trì và mở rộng thị trường cho sản phẩm gỗ tại EU; nâng cao hình ảnh quốc gia và thương hiệu cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Chế biến gỗ và Mỹ nghệ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề lớn của DN xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam hiện nay là các quốc gia có kim ngạch nhập khẩu lớn liên tục sử dụng hàng rào kỹ thuật. Sau thị trường Hoa Kỳ với Đạo luật Layer lại đến lượt EU đang xúc tiến kế hoạch tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp và Thương mại lâm sản (FLEGT) đối với gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào các quốc gia trong khối.
 
Theo các quy định của FLEGT, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU phải có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, không được trộn lẫn các sản phẩm gỗ hợp pháp đã được xác minh và các sản phẩm chưa được xác minh. Chẳng hạn, nếu là gỗ rừng trồng tại Việt Nam thì phải được khai thác đúng theo quy định luật pháp Việt Nam, hoặc được cấp chứng chỉ quản lý rừng của bên thứ ba đáng tin cậy…
 
Việc Việt Nam đàm phán Hiệp định Đối tác song phương FLEGT với EU là cần thiết. Bởi theo bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và phát triển (CED), hiện nay ngành chế biến gỗ Việt Nam có hơn 3.500 DN, tạo việc làm cho hơn 300 nghìn lao động. Vì vậy, việc phát triển ngành này đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của cả nước.
 
Nhưng đồng thời, việc tuân thủ FLEGT cũng giúp duy trì và mở rộng thị trường cho sản phẩm gỗ tại EU; nâng cao hình ảnh quốc gia và thương hiệu cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam. Bởi khi được cấp chứng chỉ FLEGT thì sản phẩm gỗ của DN đã được chứng nhận tính hợp pháp. Không chỉ 27 nước thành viên của EU công nhận mà nhiều quốc gia nhập khẩu lớn khác cũng tin tưởng. Điều đó sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành chế biến gỗ Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.
 
Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu nêu trên, DN trong ngành phải chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tuân thủ luật pháp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Trong đó, khó khăn lớn nhất của DN là phần lớn DN chế biến gỗ Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, vốn đầu tư dưới 1,5 tỷ đồng. DN thường mua gỗ trong dân, người dân từ trước đến nay chưa có thói quen tạo, lưu lại hồ sơ, giấy tờ mua bán, hoặc có thì chỉ là giấy viết tay, không đầy đủ…
 
Như trường hợp Công ty Chế biến gỗ Hòa Thành (Thuận An, tỉnh Bình Dương) phản ánh, mua gỗ nguyên liệu từ lâm trường của Nhà nước thì đơn vị trúng thầu khai thác có chứng minh nguồn gốc rõ ràng, nhưng không xuất khẩu được vì không có dấu chứng nhận của kiểm lâm. Trong khi đó, mua gỗ của người dân có chứng nhận của chính quyền địa phương thì hải quan lại chấp nhận và xuất khẩu được.
 
Vậy nên, bản thân giấy tờ yêu cầu còn đang tréo ngoe, lộn xộn. Ở đầu nhập khẩu, yêu cầu kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ, nếu không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu gỗ thì sản phẩm sẽ bị quy vào chế biến từ gỗ khai thác trái phép. Chưa kể, đây chỉ là một trong những chi tiết rất nhỏ, còn rất nhiều quy định khác khó đáp ứng hơn mà DN buộc phải tuân thủ. Trong khi về phía DN, dù họ có biết thông tin về các đạo luật này, nhưng lại biết rất mơ hồ, chủ quan.
 
Theo một cuộc khảo sát thực tế do CED phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành tại những tỉnh, thành phố tập trung nhiều DN chế biến gỗ như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh, từ ba năm nay, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của hầu hết các DN đều tăng, cao nhất là nhóm mặt hàng gỗ nội/ngoại thất, dăm gỗ, gỗ nguyên liệu.
 
Thị trường xuất khẩu chủ yếu là EU (51%), Hoa Kỳ (12%), Trung Quốc (16%), Nhật Bản (4%) và Úc, Canada, Hàn Quốc. Riêng thị trường nội địa chiếm khoảng 8%.
 
Thế nhưng, kết quả khảo sát cũng cho thấy trong 63 DN sản xuất, chế biến gỗ thì chỉ có đến 75% DN chưa biết các nội dung chủ yếu của FLEGT. Điều đáng nói là 75% các DN này đang xuất khẩu sản phẩm gỗ nội ngoại thất sang EU và chiếm đến 51% thị phần. Biết thông tin về FLEGT là những DN lớn, giá trị xuất khẩu hàng năm trên 2 triệu USD.
 
Những DN trả lời biết qua loa về FLEGT là DN nhỏ, giá trị sản phẩm xuất khẩu của họ chưa tới 1 triệu USD/năm, nhiều nhất là DN ở Quảng Nam, Đà Nẵng.
 
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia đến năm 2020 đã đặt mục tiêu trồng đến 4 triệu ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên, cung cấp ổn định cho ngành chế biến gỗ 45 triệu m3 gỗ/năm.
 
Tuy nhiên, từ thực tế hiện nay chưa thể kỳ vọng vào những con số này. DN chế biến gỗ vẫn phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu, vì vậy các bằng chứng gỗ hợp pháp vẫn rất khó, bởi DN chưa quản lý được toàn bộ quá trình vận chuyển gỗ từ nơi thu mua đến nơi lưu trữ, sản xuất không thể đảm bảo 100% gỗ hợp pháp.
 
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) cho biết, trước thực trạng trên, hiện nhiều cơ quan, ban, ngành, hiệp hội ngành nghề đang đẩy mạnh truyền thông, cung cấp thông tin về FLEGT cho DN ngành gỗ để họ có thể chủ động ứng xử, tránh thiệt thòi trong xuất khẩu hàng hóa…
 
Theo xaluan.com