Festival Âm nhạc mới Á – Âu: Tre, gỗ sẽ giới thiệu khuôn mặt âm nhạc Việt

“Festival Âm nhạc mới Á – Âu” sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến 12.10, quy tụ hàng trăm nhà soạn nhạc nổi tiếng của châu Á và châu Âu cùng hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn.

Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên vinh dự đăng cai festival, vậy thế mạnh của chúng ta là gì khiến Hội Nhạc sĩ quyết tâm tổ chức sự kiện tầm cỡ quốc tế này?
 
 
– Festival Âm nhạc mới Âu -Á được tổ chức từ năm 1993, do Hội nhạc sĩ hai nước là Nga và Tatarstan khởi động, từ đó đến nay, đã tổ chức 11 festival và đều tổ chức ở châu Âu. Lần thứ 11 được tổ chức vào tháng 3.2013, tại Tatarstan, sau khi chúng tôi trình bày tác phẩm của Việt Nam thì các nhạc sĩ trong festival có một ý tưởng là tại sao, 11 lần đều tổ chức ở châu Âu mà không có châu Á? Tất cả mọi người cũng thấy là đúng như vậy, nên tổ chức ở châu Á và sẽ luân phiên nhau, một năm làm châu Âu, một năm làm ở châu Á. Nước đầu tiên các bạn đồng nghiệp nhất trí chọn là Việt Nam cho lần thứ 12.
 
Điều khiến chúng tôi tự tin về thế mạnh của Việt Nam là nước ta có tình hình chính trị ổn định, người dân hiếu khách, thiên nhiên tươi đẹp đảm bảo tổ chức tốt sự kiện. Bên cạnh đó, chúng ta có đời sống âm nhạc có đủ điều kiện tổ chức các sự kiện lớn như: Có dàn giao hưởng trình độ quốc tế, có dàn hợp xướng, có những solist trình độ quốc tế như nghệ sĩ Bùi Công Duy… và có nhà hát đủ trình độ tổ chức sự kiện như Nhà hát Lớn Hà Nội nên các bạn tin tưởng giao cho Việt Nam đăng cai.
 
Được biết festival sẽ diễn ra tại 2 địa điểm là Hà Nội và Hạ Long (Quảng Ninh), vì sao Ban tổ chức lại quyết định chọn Hạ Long?
 
– Nước ta có di sản thiên nhiên thế giới là vịnh Hạ Long, trong đó hang Đầu Gỗ có vòm hang thiên nhiên cao như vòm nhà hát, khi các bạn quốc tế nghe giới thiệu đã bày tỏ muốn nghe âm nhạc trong hang đó. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị một chương trình hòa nhạc dân tộc mang âm hưởng dân gian từ tre, gỗ… để âm nhạc dân gian vang lên trong không gian thiên nhiên Việt Nam. Đây là lý do hấp dẫn các bạn. Các nhạc cụ làm từ tre, gỗ sẽ thể hiện một cách đầy đủ nhất chân dung khuôn mặt âm nhạc Việt Nam với các bạn bè quốc tế và nó làm nên sự độc đáo, khác biệt của chúng ta.
 
Với chủ đề của festival là “âm nhạc mới”, ông có thể lý giải kỹ xem cái mới sẽ nằm ở góc độ nào trong các tác phẩm trình diễn tại đây?
 
– Mới ở đây là mới sáng tác. Vì thể loại giao hưởng, thính phòng luôn đòi hỏi sự tìm tòi, nên “mới” còn là tiêu chí của festival, đẩy mạnh và phát triển những hướng đi của nền khí nhạc của các nước theo từng cách khác nhau. Ví dụ như các nước có nền âm nhạc dân gian phát triển mạnh như vùng Trung Á, họ đi theo con đường là lấy âm nhạc dân tộc làm mới âm nhạc dân gian của họ, còn Pháp, Mỹ thì họ lại tìm hiệu quả âm thanh với nhạc cụ sống. Còn cái mới của chúng ta mang đến với festival lần này là âm nhạc hôm nay, sáng kiến mới, sản phẩm mới của các nghệ sĩ hôm nay. Việt Nam cũng là nước đóng góp vào sự phát triển đó như tác phẩm khí nhạc của nhạc sĩ Lân Tuất và của tôi là tác phẩm viết cho đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng. Kết hợp nhạc cụ dân tộc với nhạc cụ phương Tây, là điều chúng ta chưa làm bao giờ.
 
Vậy festival lần này có phải là một cuộc thi giữa các nước tham gia hay không?
 
– Liên hoan sẽ không chấm thi để trao giải vàng, giải bạc mà chỉ là cuộc liên hoan biểu dương của các tác giả đại diện cho xu hướng sáng tác hiện nay của thế giới. Chúng tôi mời một hội đồng nghệ thuật là gồm các nhạc sĩ của Pháp, Nga, chủ tịch Hội Nhạc sĩ Tatarstan, nhạc sĩ Nhật Bản, và tôi với tư cách chủ nhà. Chúng tôi sẽ đưa ra các nhận xét về xu hướng âm nhạc hiện nay, khuyến cáo về cách phối hợp giữa tổ chức âm nhạc của các nước để có một diện rộng hơn.
 
Ông có thể nói kỹ hơn về các tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam tham gia lần này?
 
– Sự đa dạng của các bút pháp sẽ là điểm mới của chúng ta khi tham gia liên hoan lần này. Các xu hướng âm nhạc cũng khác nhau, chúng ta có bút pháp kinh điển như “Chiếu dời đô” của nhạc sĩ Doãn Nho, tương phản là Nguyễn Thiện Đạo với tác phẩm “Điểm hẹn”, “Con gà rừng” và “Trống cơm” của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, hòa tấu “Vượt sóng” của nhạc sĩ Đức Tân… và rất nhiều các nhạc sĩ khác nữa, sẽ như một bức tranh về đời sống âm nhạc hiện nay. Tôi cũng công bố tác phẩm dựa trên các làn điệu dân ca của các miền viết cho đàn bầu và nhạc giao hưởng.
 
Xin cảm ơn ông!

Theo Dân Việt