Gỡ khó cho xuất khẩu vào Hoa Kỳ

Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương hoàn tất đàm phán, sẽ mở ra nhiều cơ hội vì thuế suất nhiều mặt hàng sẽ giảm về 0-5%.

Hơn 2 năm nay, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của cả nước và Đồng Nai. Dự tính cuối năm 2015, khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất đàm phán, sẽ mở ra nhiều cơ hội vì thuế suất nhiều mặt hàng sẽ giảm về 0-5%.
 
Theo Sở Công thương, năm 2013, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai với kim ngạch gần 3,2 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong gần 10 tháng của năm 2014, xuất khẩu của Đồng Nai vào thị trường Hoa Kỳ là khoảng 2,1 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 620 triệu USD. Hoa Kỳ là thị trường xuất siêu lớn và quan trọng của tỉnh.
 
* Kim ngạch tăng nhanh
 
Theo số liệu của Hải quan Hoa Kỳ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ những năm gần đây tăng nhanh. Trong 9 tháng của năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 26 tỷ USD, tăng trên 21% (gần 5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013, trong đó hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ là gần 22 tỷ USD. Nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này nhiều nhất là dệt may, giày dép, gỗ, sản phẩm từ gỗ. Còn sản phẩm Việt Nam nhập khẩu nhiều từ thị trường Hoa Kỳ là: máy móc, thiết bị phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử, bông, chất dẻo, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi… Hiện Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
 
Phó giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng cho biết, những doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tìm hiểu thị trường Hoa Kỳ có thể liên hệ trực tiếp với Sở Công thương Đồng Nai hoặc Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) để được hỗ trợ các thông tin cần thiết. Hàng năm tỉnh đều có các đợt xúc tiến thương mại sang nhiều nước, doanh nghiệp có thể đăng ký tham gia để giới thiệu sản phẩm của mình.
 
Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ để đẩy mạnh hơn nữa hàng hóa xuất vào thị trường này. Chị Nguyễn Thị Xuân Trang, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Moland ở Khu công nghiệp Sông Mây, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom), chia sẻ:  “Mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu 1,5-2 triệu USD từ sản phẩm túi xách, trong đó riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm hơn 30% sản lượng hàng xuất khẩu. Gần đây, xuất khẩu sang nước này tăng nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện thuế, hóa đơn truy xuất nguồn gốc hàng hóa do Việt Nam chưa áp dụng chương trình kê khai thuế, nguồn gốc hàng hóa hiện đại như một số nước. Nếu Việt Nam áp dụng chương trình trên, sẽ được hưởng ưu đãi rất nhiều về thuế và các thủ tục khác cho hàng hóa xuất khẩu đến Hoa Kỳ”.
 
Ông Nguyễn Xuân Tân, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH gỗ Hạnh Phúc ở Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa), cho hay: “Hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ thường sau 30 ngày mới được thanh toán, vì thế những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó mở rộng xuất khẩu vì thiếu vốn. Lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp vay hiện nay có giảm, song lãi suất trung dài hạn vẫn khá cao nên hạn chế nhiều đến sản xuất, xuất khẩu”.
 
Đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ tại Đồng Nai thừa nhận, họ muốn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nhưng thiếu các thông tin về chính sách của nước này. Vì thế, doanh nghiệp rất mong có đầu mối chuyên cung cấp thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, đối tác để hợp tác sản xuất và xuất khẩu.
 
* Chưa công nhận nền kinh tế thị trường
 
Hiện nay, có 46 nước trên thế giới công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường (MES), nhưng phía Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận nên Việt Nam vẫn chưa được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập.
 
Thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy cả nước có gần 2.400 doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Trong đó, phía Nam có hơn 1.900 doanh nghiệp và riêng Đồng Nai có 168 doanh nghiệp xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Nếu được Hoa Kỳ công nhận là nước có nền kinh tế thị trường thì xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường trên trong những năm tới còn tăng cao.
Bà Nguyễn Chi Mai, đại diện Bộ Công thương, cho biết: “Vì chưa được công nhận là nước có MES nên Hoa Kỳ đã sử dụng nước thứ 3 để xác định chi phí áp đặt mức thuế chống bán phá giá và trợ cấp trong các vụ kiện. Trong khi nước thứ 3 chi phí sản xuất thường cao hơn nên doanh nghiệp Việt Nam hay bị kiện trợ cấp và bán phá giá. Mức thuế chống trợ giá và bán phá giá khá cao gây thiệt hại lớn về kinh tế cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Việc này giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt đang xuất khẩu vào Hoa Kỳ”.
 
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phú Cường, các doanh nghiệp Đồng Nai và cả nước có xuất khẩu vào Hoa Kỳ cần đồng loạt kiến nghị Chính phủ Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nước có MES. Như vậy, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, xuất khẩu tại Việt Nam sẽ tránh được nhiều thiệt hại do các vụ kiện trợ cấp, bán phá giá, tranh thủ được những ưu đãi về thuế, tăng sức cạnh tranh. Thêm vào đó, Hoa Kỳ có vai trò quan trọng trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu công nhận Việt Nam là nước có MES sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam vận động các nước thành viên khác trong WTO cùng công nhận Việt Nam là nước có MES, hạn chế các vụ kiện hàng Việt Nam được trợ cấp, bán phá giá tại các nước.
 
 
Theo Báo đồng nai