Từng nằm trong top DN xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất Việt Nam, năm 2013 CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) tưởng chừng đã phải ngưng hoạt động.
Song với sự nỗ lực của ban điều hành, Trường Thành đang trên con đường tái cấu trúc nợ và tài chính để có thể quay trở lại sản xuất, kinh doanh. ĐTTC đã có cuộc trò truyện với ông Võ Trường Thành (ảnh), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TTF.
 
 
-PHÓNG VIÊN: – Ông có thể chia sẻ những nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn của Trường Thành trong thời gian qua?
 
Ông VÕ TRƯỜNG THÀNH: – Khi công ty gặp khó khăn Ban quản trị đã họp và đưa ra nhiều giải pháp và với sự trợ giúp của UBND tỉnh Bình Dương, TTF đang dần có những bước tái cấu trúc mạnh mẽ. Cụ thể, đầu tháng 6-2014 Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) đã mua 543 tỷ đồng khoản nợ của TTF tại Vietcombank, đồng thời có kế hoạch mua thêm 350 tỷ đồng nữa trong quý IV này.
 
Song hành với đó, các cổ đông TTF cũng đồng thuận tăng vốn, nhờ đó đòn bẩy nợ của công ty cũng thay đổi đáng kể. Chúng tôi được Ngân hàng Việt Á cam kết bơm 250 tỷ đồng vốn cho hoạt động sản xuất nên quý III công ty đã có những khởi sắc hơn. Trong suốt 2 quý đầu năm nay TTF vô cùng khó khăn, buộc phải tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ nên năng suất giai đoạn này chỉ đạt 30-35%.
 
Tuy nhiên 2 tháng gần đây công suất hoạt động của các nhà máy đã đạt 60% và kỳ vọng trong quý IV nâng lên 70%. Đến nay TTF đã đi được 2/3 chặng đường tái cấu trúc, dự kiến hoàn thành chậm nhất vào cuối quý I-2015.
 
– Một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn là  lượng nguyên liệu tồn kho quá lớn. TTF đã giải quyết việc này ra sao?
 
– Thời điểm trước, nguyên liệu tồn kho do thế chấp ngân hàng nên không thể tiêu thụ. Vì lẽ đó, khi có đơn hàng chúng tôi buộc phải mua nguyên liệu về sản xuất cho kịp. Tuy nhiên, trong lần mua nợ này, ngân hàng sau khi bán nợ đã giải phóng tài sản, trong đó có nguyên liệu và nguồn nguyên liệu này ngay lập tức được đưa vào sản xuất và chào bán.
Nổ lực tái cấu trúc
 
Theo kế hoạch tiêu thụ lượng gỗ tồn kho, đến cuối năm nay TTF sẽ thu về 50 tỷ đồng và dự kiến trong năm 2015 sẽ bán thêm được khoảng 200 tỷ đồng gỗ nguyên liệu tồn kho này. Do lượng gỗ tồn kho lâu, xuống phẩm chất nên chúng tôi cũng phải chịu lỗ khoảng 20%, nên kết quả sản xuất kinh doanh các năm qua đã không như mong muốn.
 
Từ tháng 3 năm nay, hơn 11.000ha rừng trồng từ 10 tuổi trở lên của TTF đã được đưa vào kế hoạch khai thác luân kỳ. Dự kiến đến cuối năm sẽ khai thác được khoảng 500ha, thu về 30-40 tỷ đồng. Từ năm 2015, mỗi năm sẽ khai thác 1.000ha, lợi nhuận mang về khoảng 80 tỷ đồng.
 
Với diện tích rừng vào độ tuổi khai thác như trên, TTF có thể chủ động được 90% nguyên liệu sản xuất và cung cấp cho các xưởng veneer trong nước hoặc xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Nhật Bản do chất lượng gỗ tốt khi TTF chỉ ưu tiên khai thác rừng ở năm thứ 10 trở lên.
 
– TTF đã mất đi một lượng khách hàng không nhỏ do không đáp ứng được đơn hàng. Vậy chiến lược thị trường hiện nay của TTF ra sao, thưa ông?
 
– Sau khi đã đi được 2/3 chặng đường tái cấu trúc, hồi phục năng lực sản xuất, năng lực tài chính, TTF đã chủ động tiếp cận lại những khách hàng cũ và tìm kiếm thêm khách hàng mới. Ngân hàng chiến lược cũng cam kết với khách hàng của TTF rằng nếu ký đơn hàng họ sẽ được cung cấp đủ vốn để thực hiện. Vì thế một số khách hàng cũ bắt đầu quay trở lại.
 
Về thị trường xuất khẩu, TTF có khách hàng mới như Công ty bất động sản Trump của Hoa Kỳ đặt hàng cho những dự án của họ tại một số nước. Hoặc những khách hàng Nhật Bản trong làn sóng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, hay nhiều khách hàng châu Âu đã quay lại đặt hàng TTF… Về thị trường nội địa, TTF đã có nhiều đơn hàng hơn so với mọi năm. Hiện TTF đẩy mạnh bán hàng online, xây dựng hệ thống kho hàng tại các tỉnh, thành phố lớn. Thị trường nội địa năm nay dự kiến chiếm 45% tổng doanh thu của TTF.
 
– TTF đã có dự kiến bán 20% cổ phần cho đối tác nước ngoài? Vậy hiện nay vai trò của cổ đông nước ngoài tại TTF như thế nào?
 
– Trong kế hoạch tái cấu trúc công ty, cổ đông nước ngoài tham gia như nhà quản trị, tư vấn có kinh nghiệm. Theo hợp đồng nguyên tắc, sau khi tái cấu trúc xong họ sẽ mua 20% cổ phần và trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của TTF và giữ vị trí tổng giám đốc.
 
Ban Quản trị cũng kỳ vọng khi việc điều hành được chuyển qua cho tổng giám đốc người nước ngoài, thị trường sẽ mở rộng hơn, quản lý trong nội bộ cũng có những cải tiến. Đối tác này cũng đã liên doanh 4 năm với công ty con của TTF nên tôi nghĩ trong quá trình điều hành sẽ không có những khác biệt lớn.
 
– Theo kế hoạch phải mất thời gian bao lâu để TTF vượt qua khó khăn, trở lại giai đoạn phát triển ổn định?
 
– Thời điểm năm 2011, khi nhiều nước trên thế giới thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để vực dậy nền kinh tế, Việt Nam là một trong số ít quốc gia thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ. Điều này làm nhiều DN gặp khó khăn. Chúng tôi phải trả một mức lãi suất rất cao, trung bình mỗi năm tiền lãi trả ngân hàng khoảng 230 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, đến nay chúng tôi đã đàm phán để được hưởng mức lãi suất tương đương mức lãi suất thị trường. Và với những nỗ lực tái cấu trúc tài chính, tái cơ cấu công ty, vực dậy sản xuất kinh doanh, tôi nghĩ TTF sẽ mất khoảng 2 năm (2014 và 2015) để quay lại giai đoạn phát triển tốt như trước đây.
 
– Xin cảm ơn ông.
 
Theo xã luận Việt Nam