Với niềm đam mê Kinh doanh và tài lãnh đạo, Doanh nhân Bùi Pháp, Lê Hải Liễu đã đưa doanh nghiệp gỗ của mình trở thành những cái tên có tiếng trong ngành gỗ Việt Nam.
Với niềm đam mê Kinh doanh và tài lãnh đạo Doanh nghiệp , Doanh nhân Bùi Pháp, Lê Hải Liễu đã đưa doanh nghiệp gỗ của mình trở thành những cái tên có tiếng trong ngành gỗ Việt Nam.
Doanh nhân Bùi Pháp.
Doanh nhân Bùi Pháp sinh ra tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, là con út trong một gia đình nông dân nghèo khó, Bùi Pháp mồ côi cha lúc vừa tròn 3 tháng tuổi.
Đến năm 18 tuổi chàng thanh niên Bùi Pháp thoát ly gia đình, rời quê hương Khởi nghiệp với 170.000 đồng tiền vốn của gia đình tích góp được.
Ông học nghề chế tạo cơ khí, sửa chữa nâng cấp xe vận tải, làm nhà xưởng tại tỉnh Gia Lai. Sau 16 năm tích lũy kinh nghiệm và nguồn vốn đến tháng 9/1995, ông Pháp thành lập Xí nghiệp Đức Long Gia Lai với ngành nghề là chế biến gỗ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Những ngày đầu thành lập, Đức Long Gia Lai có vốn ban đầu là 3,6 tỷ đồng, 9.700m2 đất và một dây chuyền chế biến gỗ thủ công, bán tự động. Sau 15 năm vừa sản xuất và xây dựng, Đức Long Gia Lai đã phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng lên đến 150.000m2 mặt bằng nhà xưởng, sân bãi với 4 nhà máy sản xuất cùng 7 dây chuyền chế biến sản phẩm gỗ hiện đại, đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu sang các nước như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật, Singapore, Thái Lan…
Đến tháng 6/2007, công ty thành lập và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, từ đó Đức Long Gia Lai lần lượt thành lập 20 công ty thành viên, mở và liên kết thành lập 13 chi nhánh, cửa hàng trong và ngoài nước. Năm 2010, Tập đoàn đã chính thức niêm yết thành công cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (mã chứng khoán DLG), đưa ông Bùi Pháp đứng thứ 39 trong top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Năm 2012, vốn điều lệ của Đức Long Gia Lai lên tới gần 671 tỷ đồng.
Ông Bùi Pháp còn được biết đến là một ông bầu của làng bóng chuyền Việt Nam, khi ông sở hữu đến 2 đội bóng chuyền triệu đô. Năm 2008 giới thể thao bắt đầu biết đến một doanh nhân chơi ngông, thường xuyên tài trợ và mời những ngôi sao nước ngoài về đầu quân cho đội Đức Long Quân khu 5. Và sau đó, một đội bóng chuyền mang tên Đức Long Gia Lai tiếp tục được ra đời. Dù việc kinh doanh vô cùng bận rộn, ông vẫn tranh thủ thời gian lặn lội sang Trung Quốc, Thái Lan để săn lùng cầu thủ giỏi cho đội bóng.
Chủ tịch Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành – Lê Hải Liễu
Bà Lê Hải Liễu sinh năm 1962 tại TP.HCM, là cử nhân Kinh tế của Đại học Kinh tế TP.HCM. Sau khi ra trường, bà Liễu trở thành giảng viên Khoa Thống kê – Toán của trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Năm 1991, bà Liễu sang Đức du học 2 năm.
Sau khi từ Đức trở về, bà vào làm việc tại Công ty Gỗ Đức Thành với vị trí Giám đốc. Sau những cống hiến, bà trở thành Phó Chủ tịch HĐQT của công ty này vào năm 2000 và sau đó là kiêm luôn chức Tổng giám đốc của Gỗ Đức Thành vào năm 2003. Bà Liễu trở thành Chủ tịch Gỗ Đức Thành vào tháng 9/2006. Bà Liễu giữ hơn 31% cổ phần của Gỗ Đức Thành (tương đương hơn 3,2 triệu cổ phiếu).
Tiếp quản công ty từ cha khi mới ngoài 30 tuổi, lúc đó bà Lê Hải Liễu không tiếng tăm, không kinh nghiệm, khó khăn trong cả đối nội lẫn đối ngoại. Nhiều nhân viên không tin tưởng khi nhìn thấy cô tiểu thư không biết gì về gỗ hay xuất khẩu, nay đứng ra lèo lái cả doanh nghiệp. Tuy nhiên bằng vốn kiến thức và tài kinh doanh của mình, bà đã đưa doanh nghiệp trải qua giai đoạn khó khăn.
Đầu năm 2009, Gỗ Đức Thành kinh doanh ế ẩm khi hàng loạt công ty đối tác dừng ký hợp đồng. Để tháo gỡ bài toán khó này, bà Liễu một mặt tìm mọi cách duy trì công ty, chờ thị trường xuất khẩu ấm lên, một mặt dốc vốn sẵn có đầu tư mua nguyên liệu với giá hời và chuyển hướng sang Thị trường nội địa. Chính cách làm này đã giúp doanh thu nội địa tăng từ 5% đến 20% trên tổng doanh thu. Không lâu sau, thị trường xuất khẩu khởi sắc trở lại, nguyên liệu mua về trước đó được giải phóng khỏi xưởng với giá cao hơn nhiều so với lúc thu mua.
Tới nay, sau hơn 20 năm lăn lộn với nghề, từng đối mặt với những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua, bà Liễu đã đưa Gỗ Đức Thành trở thành doanh nghiệp lớn mạnh trong ngành kinh doanh gỗ Việt, nhiều năm liền được bình chọn là “Thương hiệu mạnh” quốc gia, sản phẩm được xuất khẩu đi 45 nước trên thế giới .
Bà Lê Hải Liễu cũng từng là Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, được Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành địa phương tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, được bình chọn gương “Người tốt việc tốt”, “Điển hình tiên tiến xuất sắc toàn quốc” nhiều năm liền, được UBND TP.HCM tặng danh hiệu “doanh nhân tiêu biểu” năm 2005 – 2009, được Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam bình chọn danh hiệu “Doanh Nhân Việt Nam tiêu biểu” và được Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đề tặng “Người đàn bà đi khắp thế gian” trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006.
Chủ tịch gỗ Trường Thành – Võ Trường Thành
Ông Võ Trường Thành sinh năm 1958, trên đất võ Tây Sơn – Bình Định. Năm 21 tuổi, khi đang làm nghề giáo viên, ông Thành quyết định rời vùng đất võ Tây Sơn lên Tây Nguyên lập nghiệp. Công việc ở xưởng chế biến gỗ của Lực lượng Thanh niên xung phong đóng tại Tây Nguyên đã khởi đầu mối lương duyên của người thầy giáo trẻ với gỗ.
Sau hơn 7 năm miệt mài cùng xưởng gỗ, ông được bầu làm Giám đốc Xí nghiệp Khai thác và Chế biến lâm sản Thanh niên Xung phong. Niềm đam mê với gỗ đã thúc đẩy ông tự khởi nghiệp với số vốn vay mượn 50 triệu đồng, thành lập xưởng sơ chế gỗ tại Đắk Lắk vào năm 1990.
Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, dồn cùng thời điểm Chính phủ ra chỉ thị cấm xuất khẩu gỗ, tưởng như xóa sổ niềm đam mê của ông. Nhưng sau 3 tháng đóng cửa nhà máy (năm 1998), doanh nghiệp đã sản xuất trở lại, tăng dần khi thị trường trong nước vào mùa mua sắm cuối năm.
Năm 1999, ông mua lại công ty Vinaprimart, mở rộng hoạt động đến Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau 2 tháng kể từ thương vụ này, Trường Thành đã xuất khẩu 5 container hàng đầu tiên sang Châu Âu. Từ đây, ông Thành chuyên tâm làm hàng xuất khẩu. Năm 2011, công ty gỗ Trường Thành dẫn đầu trong lĩnh vực chế biến gỗ của Việt Nam về doanh số (khoảng 3.000 tỷ đồng) và quy mô lên đến 8 nhà máy.
Tuy nhiên, năm 2013, thông tin Trường Thành đang nợ ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng khiến không ít người ngỡ ngàng. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra như: giá nguyên liệu tăng cao, sức mua từ nước ngoài giảm sút, đầu tư ngoài ngành, lãi suất tăng… Công ty đã thế chấp hầu như toàn bộ tồn kho nguyên liệu để vay ngân hàng. Do đó, khi cần bán, hoặc sử dụng, phải có nguồn tiền tương ứng chuyển cho ngân hàng.
Đã có thời điểm, nhiều ngân hàng đồng loạt đòi nợ Trường Thành, rồi sức ép từ các cổ đông. Nhưng với kinh nghiệm từng trải, ông Thành vẫn kiên nhẫn từng bước giải quyết khó khăn, duy trì sản xuất ổn định. Lũy kế cả năm 2013, Gỗ Trường Thành lãi ròng 7 tỷ đồng, bằng 2,8 lần con số năm 2012.
Theo soha.vn