Ngành gỗ Việt nam: Khó khăn lớn nhất là thiếu nguyên liệu gỗ

Được đánh giá là mặt hàng có chỉ số tiềm năng xuất khẩu cao, khó khăn đối với ngành gỗ và các mặt hàng từ gỗ mỹ nghệ không còn nằm ở thị trường xuất khẩu mà vẫn ở nguyên liệu đầu vào.

Tín hiệu thị trường rất tốt

Theo con số được Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) Phan Chí Dũng cung cấp tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2014 và triển vọng kinh doanh đối với ngành đồ gỗ mới đây, năm 2013, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,9% so với năm 2012. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt mức 5,7 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước; nếu cộng cả đồ gỗ mỹ nghệ thì kim ngạch xuất khẩu năm 2013 của toàn ngành đạt xấp xỉ 6 tỷ USD. Với mức tăng trưởng trung bình luôn trên 15%, dự kiến, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 6,5 tỷ USD và hàng thủ công mỹ nghệ ước đạt trên 2 tỷ USD; mục tiêu đến năm 2020 đạt 10 – 12 tỷ USD. Với kết quả này, có thể nói, ngành sản xuất và kinh doanh đồ gỗ và các mặt hàng từ gỗ mỹ nghệ không chỉ có tiềm năng tiêu thụ trong nước lớn mà tiềm năng xuất khẩu cũng rất cao.

Đây cũng chính là kết luận được rút ra tại Báo cáo Đánh giá tiềm năng xuất khẩu của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương). Theo đó, các mặt hàng đồ gỗ chạm mỹ nghệ chủ yếu ở các làng nghề phía Bắc và các mặt hàng giả cổ, khung tranh, hộp mỹ nghệ được sản xuất chính ở các khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Vĩnh Long được đánh giá có chỉ số tiềm năng xuất khẩu cao nhất. Thống kê của Bộ Công thương cũng cho biết, nước ta là quốc gia đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu sản phẩm gỗ, thứ 2 châu Á sau Trung Quốc và thứ nhất khu vực Đông Nam Á; bên cạnh việc duy trì thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản và Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu mặt hàng này ngày càng mở rộng sang nhiều nước, trong đó có Malaysia, Thụy Điển, Đài Loan.

Khó khăn về nguyên liệu

Mặc dù ngành sản xuất đồ gỗ và đồ gỗ mỹ nghệ đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng lợi nhuận và giá trị gia tăng của sản phẩm đồ gỗ chưa cao. Lý giải điều này, ông Dũng cho biết, khó khăn của sản phẩm đồ gồ và đồ gỗ mỹ nghệ không phải là về thị trường mà chủ yếu xuất phát từ những yếu tố như trình độ quản lý, trình độ nhân công, kho vận và đặc biệt là ở nguồn nguyên liệu đầu vào. Hiện nay, 80% nguyên liệu để sản xuất sản phẩm gỗ của doanh nghiệp từ nguồn nhập khẩu.

Đồng ý với nhận định trên, ông Phạm Minh Đức – Đại điện Nhóm tác giả của Báo cáo Công nghiệp nhẹ tại Việt Nam: Tạo việc làm và Triển vọng trong một nền kinh tế thu nhập trung bình của Ngân hàng Thế giới cho biết thêm, đối với ngành đồ gỗ, kể cả quy mô lớn hay nhỏ, nguyên liệu đầu vào và trình độ tay nghề của lao động là yếu tố then chốt trong sản xuất và kinh doanh. Trong khi đó, do nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu chủ yếu là nhập khẩu từ Lào, Campuchia và Indonesia, giá thành tăng mạnh mà nguyên liệu đầu vào cung cấp trong nước thiếu nên giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu thấp. Điều này khiến cho doanh nghiệp trong ngành luôn ở trong tình trạng sản xuất hiệu quả không cao, lợi nhuận thấp; từ đó, lương trả cho người lao động không hấp dẫn, khiến lao động bỏ nghề và các doanh nghiệp sản xuất thường xuyên thiếu lao động. Thêm nữa, năng suất lao động hiện vẫn còn thấp, so với Trung Quốc – quốc gia đang dẫn đầu trong xuất khẩu đồ gỗ và mặt hàng gỗ mỹ nghệ trong khu vực châu Á, năng suất trung bình của chúng ta chỉ là 1,9 sản phẩm ghế/ nhân công/ngày so với năng suất 4,5 của Trung Quốc.

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, các mặt hàng gỗ mỹ nghệ phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng thu nhập cho người lao động, Bộ Công thương khuyến nghị cần có chính sách quy hoạch để phát triển nguồn nguyên liệu trong nước làm căn cứ cho các doanh nghiệp có định hướng ổn định trong đầu tư phát triển, sản xuất. Đồng thời, khyến khích chính sách cho vay tư nhân để đầu tư trồng cây gỗ lớn với thời gian vay và trả nợ lãi vay phù hợp với thời gian sinh trưởng của cây do nguồn nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ sử dụng cây gỗ lớn có thời sinh trưởng lâu (trên 20 năm), thời gian tiêu thụ sản phẩm lại chính là thời điểm khai thác cây.

 Đối với các hiệp hội ngành hàng, tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề, cấy nghề, nghiên cứu thiết kế mẫu mã sản phẩm; cũng như, giúp các doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường thông qua việc làm đầu mối giới thiệu quảng bá sản phẩm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình tiêu thụ sản phẩm, tăng sự liên kết chống lại sự chèn ép về giá từ phía khách hàng, đặc biệt là thương lái Trung Quốc. Riêng đối với các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất, cần nỗ lực trong công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tiếp thị, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng biết tới; mạnh dạn đầu tư ra được những sản phẩm có thiết kế phù hợp thị hiếu thị trường đối tác. Và phối hợp, liên kết chặt chẽ với các làng nghề và các doanh nghiệp sản xuất cùng loại sản phẩm để chia sẻ thông tin thị trường, hợp tác sản xuất tạo ra những lô hàng lớn bảo đảm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

 

Theo báo nhân dân

 

Hotline Facebook Zalo youtube